Cảm nhận đoạn thơ trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh

 



ĐỀ BÀI:

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau:

“Con sóng dưới lòng sâu,

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ con thức

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh -một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ 

 Dù muôn vời cách trở.”

                  ( Sóng – Xuân Quỳnh)

1.Mở bài:

- Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ trẻ chống Mĩ và được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau năm 1975. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, vừa nồng nhiệt, táo bạo vừa thiết tha, say đắm, dịu dàng; vừa hồn nhiên, giàu trực cảm vừa lắng sâu những trải nghiệm suy tư, gắn bó hết mình với cuộc sống, trân trọng, nâng niu cho hạnh phúc bình dị của đời thường, là bông hoa dọc chiến hào trong suốt chặng đường đánh Mỹ.

- Xuân Quỳnh có rất nhiều bài thơ hay viết về tình yêu, như  Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”…. Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế của nhà thơ ở vùng biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình. Bài thơ in trong tập “Hoa dọc chiến hào”

- Đoạn thơ miêu tả về sóng biển và diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình “em”, người phụ nữ đang yêu với nỗi nhớ da diết và lòng chung thuỷ và khát vọng da diết về hạnh phúc trong tình yêu “Con sóng dưới lòng sâu,.. … Dù muôn vời cách trở”.

2. Thân bài

a. Khái quát:

- Hình tượng sóng và em hình tượng trung tâm của bài thơ. “Em” cũng là “sóng” mà “sóng” cũng là “em”. “Sóng” là một hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ. “Sóng” và “em” vừa hòa nhập làm một, lại vừa phân đôi ra để soi chiếu vào nhau. Tâm hồn của người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng biểu hiện những trạng thái của lòng mình. Có thể nói Xuân Quỳnh đã tìm được một cách thể hiện thật xác đáng tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu.

- Âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng, lúc sôi nổi trào dâng, lúc thì thầm sâu lắng, gợi âm hưởng của những đợt sóng miên man, vô tận và những cung bậc cảm xúc của sóng lòng người phụ nữ trong tình yêu

 - Khổ thơ trước nhà thơ đã miêu tả những đặc điểm, trạng thái, quy luật của những con “sóng” và cũng là đặc điểm của tình yêu, để rồi suy tư trăn trở và khao khát về tình yêu “ Khi nào ta yêu nhau?”, để từ khi yêu nhau, cũng từ hình tượng sóng, Xuân Quỳnh nhận thức thêm một đặc trưng nữa của tình yêu. Đó là nỗi nhớ và lòng chung thủy và khát vọng về hạnh phúc.

b. Cảm nhận ba khổ thơ                                                                                                   b1. Khổ 5:  Sóng, tình yêu và nỗi nhớ             

  - Trong tình yêu, tín hiệu cơ bản và nhạy cảm, trong sáng và tha thiết chínhlà nỗi nhớ, có biết bao người yêu nhau thì có bấy nhiêu nỗi nhớ. Vì thế mà ca dao đã có rất nhiều câu thể hiện cảm xúc đó:

“Nhớ ai ra nhắn vào ngơ

 Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?”

hay:                                   “Nhớ chàng nhớ sớm nhớ chiều,

Như ai dán đạo bùa yêu trong lòng”

 Và chính nữ sĩ Xuân Quỳnh đã nhiều lần nhung nhớ thiết tha:

Một trời xanh, một biển tận cùng xanh

                                      Và gió thổi và mây bay về núi
                                      Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
                                       Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em...

-  Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ. Tâm hồn đang yêu ở đây luôn soi vào sóng để diễn tả cái sâu sắc, bao la của nỗi nhớ trong lòng mình, nó choán đầy cả tầng sâu và bề rộng, nó chiếm lĩnh trọn cả thời gian, cả ngày lẫn đêm:

                                    “Con sóng dưới lòng sâu…

                                    Ngày đêm không ngủ được”

- Xuân Quỳnh đã lấy hình ảnh con sóng dưới lòng sâu, con sóng trên mặt nước của biển khơi để soi vào tâm hồn.  Cả hai con sóng đều có một điểm chung là nhớ bờ và không ngủ được. Điệp từ “ôi”và biện pháp nhân hóa đã khiến sóng không còn là sóng mà nó có linh hồn để biết nhớ để diễn tả cảm xúc trào dâng da diết nhớ nhung và trăn trở băn khoăn không ngủ được

- Sự vận động của con sóng từ trên xuống dưới diễn tả nỗi nhớ bao trùm về không gian và “ngày” “đêm”diễn tả nỗi nhớ trải dài theo thời gian. Tình yêu cũng vậy nỗi nhớ luôn lan tỏa trong không gian và thời gian. Những lúc xa nhau nhất là những ngút ngàn nhất. Vì thế mà nỗi nhớ không phải là cảm xúc thoáng qua, nhẹ nhàng mà là trạng thái trăn trở thao thức, luôn khát khao như con sóng ào ạt tới bờ không ngừng nghỉ. Nỗi nhớ trong tình yêu rất da diết thường trực và đó là cũng là một thứ một thử thách, một thước đo trong tình yêu.

- Đặc biệt hơn nó lặp đi lặp lại tới 3 lần trong một khổ thơ như một điệp khúc gối đầu lên nhau hết đợt này đến đợt khác, hết con sóng này đến con sóng khác ào ạt và liên tiếp. Vì vậy mà nỗi nhớ nên cồn cào, trào dâng triền miên và vô tận.

- Về hình thức, khổ thơ ở đây dài ra thêm hai câu so với khổ thơ khác để diễn tả nỗi nhớ của lòng em tới anh. Dường như nỗi nhớ không thể bị bó buộc trong 4 câu 5 chữ mà nó chảy tràn trên những câu thơ như trải dài vô tận và mãnh liệt trào dâng.

- Tình yêu của em còn mãnh liệt hơn cả sóng vì vậy mượn sóng nói không thỏa em trực tiếp bộc lộ lòng mình để nói cho sâu, cho tha thiết hơn nữa nỗi nhớ.

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

 Nỗi nhớ của em thao thức cả trong mơ và khi còn thức, cả trong ý thức và tiềm thức đã diễn tả tâm trạng tột cùng của người phụ nữ trong tình yêu nỗi nhớ mạnh mẽ, da diết, cồn cào.

      Tóm lại, Nhà thơ vừa mượn con sóng nhớ bờ để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu vừa bộc lộ trực tiếp lòng mình. Sóng và em vừa hòa nhập nhưng vừa phân tách vì vậy mà những cung bậc nhớ nhung trong tình yêu được thể hiện một cách rất sâu sắc, thấm sâu

b2. Khổ 6:  Sóng và tình yêu chung thủy

- Tác giả không chỉ đề cập tới nỗi nhớ trong tình yêu mà trái tim của người phụ nữ còn muốn khẳng định vì sao lại phải nhớ và yêu. Vì nó bắt nguồn từ những phẩm chất cao đẹp làm cơ sở nền tảng cho tình yêu. Đó là sự chung thủy. Ca dao đã có rất nhiều câu thơ tha thiết về tình yêu chung thủy:

Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Bà chúa thơ Nôm,Hồ Xuân Hương, đã từng viết:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

-Với Xuân Quỳnh, qua hình tượng sóng, tình yêu cũng giống như con sóng. Sóng có thể xuôi, có thể ngược nhưng tình yêu của em là duy nhất, chỉ hướng về anh, đó là tình yêu chung thủy không hề thay đổi: “ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”

Cái bền vững của tình cảm và son sắt trong tâm hồn cũng chính là vẻ đẹp ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam. Cho nên thơ Xuân Quỳnh rất đằm thắm và giàu nữ tính, giàu tính truyền thống là như vậy.

- Nhà thơ đã chọn cho mình một cách nói là “xuôi về phương Bắc, ngược về phương Nam”. Đó là sự đảo lộn giữa ngược xuôi, xuôi ngược. Phải chăng, cuộc đời dù có đầy nghịch lý, trái ngang, nhưng tâm hồn của Xuân Quỳnh là ngang trái đến mức nào thì em vẫn chung thủy.

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” ( Tự hát)

b.3. Khổ 7: Sóng và khát vọng hạnh phúc

- Nhà thơ mượn hình ảnh con sóng ngoài đại dương đã khẳng định trăm ngàn con sóng đều hướng tới bờ dù có muôn với cách trở, khó khăn.

“ Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

- Tình yêu của con người cũng luôn khao khát tới đích, dù khó khăn đến mấy nhưng vẫn hướng tới bến bờ của hạnh phúc. Tình yêu chân chính phải đi đến hôn nhân. Đó là khát vọng hạnh phúc trong tình yêu của nhà thơ và của những người yêu nhau.

“Chỉ riêng điều được sống cùng nhau

Niềm vui  sướng với em là lớn nhất

                                        Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

                                       Giây phút nào tim chẳng đập vì anh!” 

                                                               (Chỉ có sóng và em, Xuân Quỳnh)

=>Như vậy, có thể nói trong tình yêu chung thủy là cái gốc của hạnh phúc, là cây đích đến của nhà thơ và là khát vọng trong đời của thơ Xuân Quỳnh, là cái cốt lõi trong thơ của nữ sĩ. Thơ của Xuân Quỳnh chính là ngôi nhà hạnh phúc bởi tình yêu dù có thế nào cũng cần đòi hỏi sự chung thủy và đó là một con đường để xây đắp cho hạnh phúc bền vững.

3. Kết bài

- Khẳng định nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ                         

- Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ                                                                                               

 - Tình yêu luôn luôn quan trọng với cuộc sống của mỗi con người, mỗi chúng ta ai cũng có quyền yêu và được yêu. Và tình yêu của tuổi trẻ là tình yêu mãnh liệt và cảm xúc trong sáng nhất. Để có tình yêu đẹp và xây ngôi nhà hạnh phúc chính là trân trọng cảm xúc nhớ nhung, chung thủy và luôn khát vọng về hạnh phúc.

THAM KHẢO:

– Mượn hình tượng sóng, nhà thơ bày tỏ nỗi nhớ thương da diết:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

+ Giống như người con gái của ca dao, chủ thể trữ tình không trực tiếp giãi bày, thổ lộ mà gửi niềm thương nhớ vào con sóng. Lối thể hiện ý tình kín đáo mà giàu sức gợi. Nó khiến ta có cảm giác nỗi nhớ đã ôm trùm cả không gian vô cùng của đại dương:  dưới    lòng sâu… trên mặt nước”, trải suốt cả thời gian vô tận: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”.

+ Cách cảm nhận về điệu hồn của sóng cũng in đậm dấu ấn riêng của một tâm hồn phụ nữ. Sóng thao thức, rì rầm suốt ngày đêm vì nhớ nhung bờ cát! Những con sóng có điệu hồn riêng và mang nhịp đập của trái tim đang yêu…

– Nỗi nhớ được thể hiện trực tiếp qua lời giãi bày, thổ lộ của nhân vật trữ tình “em” với tất cả sự sâu sắc, mãnh liệt:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

+ Không chỉ ôm trọn không gian, thời gian vô tận, nỗi nhớ còn chiếm lĩnh trọn vẹn thế giới vô biên của tâm hồn. Nhớ thương đã biến thành niềm khắc khoải khiến trái tim tình yêu bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc ngủ! Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh thấu hiểu những mong manh, giới hạn của tình yêu. Từ lúc khởi đầu: “Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ”, đã thấy nhiều thấp thỏm, âu lo: “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay”. Trong yêu thương mặn nồng, vẫn có những bồn chồn, khắc khoải: “Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh?”… Đấy cũng là nỗi niềm muôn thuở vì có người phụ nữ nào không từng khắc khoải, âu lo trong tình yêu?

– Tiếng nói khẳng định khát vọng hạnh phúc và niềm tin vào sức mạnh của tình yêu chung thuỷ:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

+ Hình ảnh người phụ nữ đang yêu hiện lên vói những vất vả, lận đận, gian truân trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Những con sóng yêu thương cứ phải lênh đênh, chìm nổi, xuôi bắc, ngược nam giữa dòng nhân thế. Giống như giữa không gian của đại dương sâu thẳm, mênh mang, những con sóng phải vất vả, ngược xuôi mới có thể tìm về với bờ cát!

+ Nhưng bấy nhiêu “xuôi”, “ngược” giữa dòng đời không làm người phụ nữ đang yêu sờn lòng, nản bước. Trái lại, con tim yêu thương vẫn tràn đầy niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc. Hình ảnh người yêu như ngọn hải đăng ngời ngợi giữa đất trời: “Hướng về anh – một phương”…

– Niềm tin vào tình yêu và hạnh phúc đã mang đến cho người phụ nữ nguồn sức mạnh vô tận để dấn bước trên hành trình xa thẳm, gập ghềnh kia: “Núi cao, bể rộng, sông dài/ Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu”. Xuân Quỳnh đã mượn quy luật bất biến của tự nhiên để khẳng định niềm tin mãnh liệt ấy:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Bất chấp không gian mênh mông của biển cả, những con sóng cuối cùng sẽ tìm về vỗ vào bờ cát. Vượt lên tất cả những gian nan, cay đắng, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh sẽ tới được bến bờ hạnh phúc! Hiểu những đổ vỡ mà nhà thơ từng nếm trải trong đời riêng, càng thêm trân trọng niềm tin yêu bền chắc, thiêng liêng đó.

– Dòng cảm xúc trữ tình trong đoạn thơ khi thì được thể hiện gián tiếp qua lời “tự bạch” của sóng, khi thì được giãi bày, thổ lộ trực tiếp qua lời tâm tình của “em” – phong phú, đa dạng, thậm chí có lúc tản mạn mà vẫn thống nhất… Thể thơ năm chữ và lối ngắt nhịp linh hoạt đã diễn tả thành công nhịp điệu của sóng, từ lúc khỏi nguồn với hành trình “tìm ra tận bể” đến khi kết thúc với niềm vui tới đích: “Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở”… Xuân Quỳnh đã tìm được cách nói riêng vừa hồn nhiên, chân thật, giàu nữ tính; vừa mạnh mẽ, sắc sảo để thể hiện những trạng thái tình cảm phức tạp và đầy bí ẩn trong trái tim tình yêu và trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc của con người…

 


Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã bình luận!

Mới hơn Cũ hơn