Đề thi thử tốt nghiệp số 2 môn Ngữ văn 2021

                                      

ĐỀ ÔN THI SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0đ)

Đọc đoạn trích:

   “Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(…). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.

     Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

      Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

       Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác”.

(Trích: Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là gì?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân”?

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

     Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

    Về đoạn thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

     Có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Lại có ý kiến khác khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người lính Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.

Từ cảm nhận của mình về đoạn thơ trên, anh chị suy nghĩ như thế nào về hai ý kiến trên?

Đọc hiểu 3,0 điểm

1.Phương thức biểu đạt nghị luận

2.Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là: 

- Ta biết về trách nhiệm của bản thân. 

- Ta biết cho đi hơn là nhận lại. 

- Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. 

- Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

(Mỗi ý cho 0,25đ)

3.Ý kiến: “Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân” được hiểu là: 

- Khi ta có thể chỉ biết về quyền của mình: có thể ta chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi, muốn được nhận (mà chưa nghĩ đến cho), điều đó chứng tỏ ta mới chỉ lớn về thể chất, về tuổi tác chứ ta chưa trưởng thành. 

- Khi ta biết về trách nhiệm của bản thân: ta sẽ phải sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. 

-> Ý nghĩa của sự trưởng thành: vừa biết sống cho mình và sống vì người khác, dung hòa giữa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm,…

Cách cho điểm:

- Giải thích: Mỗi ý cho 0,25đ

- Khái quát lai: 0,25đ

4.

- Thí sinh có thể đồng tình/ không đồng tình/ vừa có phần đồng tình vừa không đồng tình.

- Lí giải quan điểm riêng hợp lí, hợp tình, theo chuẩn mực pháp luật và đạo đức. Dưới đây là ví dụ cho các trường hợp đồng tình với quan điểm: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Vì:

- Khi ta biết tình nguyện tức là ta biết chia sẻ những khó khăn, những yêu thương. Đó là cách làm đầy thêm niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người. Tình nguyện bao giờ cũng gắn với hành động tự nguyện, sẽ làm cho cuộc sống xung quanh trở nên tốt đẹp có ý nghĩa hơn. 

- Bản thân trưởng thành cả trong trái tim và suy nghĩ, biết sống có trách nhiệm, biết thấu cảm với từng số phận, từng mảnh đời mà ta chứng kiến, trải qua, thêm yêu cuộc sống mình có, và trân trọng mọi điều mình có được. 

Câu 1: Đoạn văn

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, tổng - phân - hợp,…

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc vượt qua thử thách trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của lối “sống khát vọng” đối với tuổi trẻ. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Thử thách là những yếu tố gây khó khăn, cản trở đến việc thực hiện một công việc, một kế hoạch, một mục tiêu nào đó mà buộc con người ta phải vượt qua. Vượt qua những thử thách là quá trình con người dùng nghị lực, khả năng của chính mình để vượt qua những tình huống, những việc làm khó khăn, gian khổ nhằm đạt được thành công trong cuộc sống. 

- Ý nghĩa của việc vượt qua thử thách:

+ Mỗi lần vượt qua những thử thách là một lần chúng ta được trải nghiệm, giúp ta hình thành những bài học kinh nghiệm, bồi đắp vốn sống. 

+ Thử thách và vượt qua thử thách khơi dậy những năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người, giúp ta khám phá và khẳng định giá trị của bản thân. 

+ Vượt qua thử thách góp phần tôi rèn bản lĩnh, hình thành những phẩm chất như: niềm tin, nghị lực, sự kiên trì, dũng cảm,… Từ đó, giúp con người trưởng thành hơn và có cơ hội thành công hơn, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội. 

- Bài học nhận thức và hành động: Thử thách là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Con người cần phải biết đương đầu và vượt qua thử thách thì mới có thể tồn tại, phát triển và hướng tới thành công…

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

Câu 2: Bài văn

2.1: Giới thiệu chung

-Tác giả: Nhà thơ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mĩ, có những trải nghiệm thực tế khi vừa là người lính, vừa cầm bút sáng tác. Tâm hồn lãng mạn, hòa hoa nhưng cũng rất anh hùng.

- Tác phẩm: ra đời cuối năm 1948, khi tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về đơn vị của mình. Ban đầu có tên “Nhớ Tây Tiến” nhưng lần in sau đã bỏ từ “nhớ” vì toàn bộ bài thơ hiện lên một nỗi nhớ khắc khoải, da diết, có hình có khối trong lòng người. Mở đầu bài thơ đã thấy nỗi nhớ giăng mắc.

Về đoạn thơ này, có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Lại có ý kiến khác khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người lính Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.

2.2: Phân tích

a.Giải thích

- Ý kiến 1: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng. -> cảnh thiên nhiên

- Ý kiến 2: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa, lãng mạn. -> hình ảnh con người, người lính Tây Tiến.

=> Cả hai ý kiến đều chính xác, làm nên nội dung hoàn chỉnh của đoạn thơ. Vì thiên nhiên và con người gắn bó với nhau, tôn vinh nhau và con người hiện lên giữa nền thiên nhiên nên chúng ta sẽ phân tích song trùng để thấy được vẻ đẹp của cả hai hình tượng này.

b. Phân tích

*4 câu đầu

-Mở đầu là một tiếng gọi tha thiết, cất lên từ miền xa thẳm của nỗi nhớ trong kí ức, dòng chảy cảm xúc như được hơi mạnh bắt đầu từ tiếng gọi ấy:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Lời thơ văng lên bằng âm điệu trìu mến, da diết, cháy bỏng, tưởng không thể kìm nén nổi như tiếng gọi đối với người tình nhân trong xa cách:

Em buồn em nhớ chao em nhớ

Em gọi thầm anh suốt cả ngày

                                                             (Xuân Diệu)

Sau tiếng gọi tha thiết, kỉ niệm sống dậy, tràn ngập trong tâm hồn nhà thơ nỗi niềm bâng khuâng, nhớ tiếc: nhớ tiếc những ngày tháng hành quân cùng đoàn quân Tây Tiến giữa vùng núi Tây Bắc kì vĩ. Nhớ tiếc quá khứ chia xa giờ đây chỉ còn trong hoài niệm.

-Câu thơ thứ hai có điệp từ “nhớ” như để tô đậm, khắc sau, gia tăng sắc thái, ý nghĩa cho nhau. Chữ “nhớ” thứ nhất là hướng về đối tượng Tây Tiến, chữ “nhớ” thứ hai chỉ tình cảm nhớ của nỗi lòng. Trước Quang Dũng có nhiều người viết hay, viết nhiều về nỗi nhớ như bổi hổi, bồi hồi trong ca dao, nhớ tha thiết mọi thứ như Xuân Diệu:

Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em. Anh nhớ lắm, em ơi!

Nhưng có lẽ trạng thái chơi vơi thì hình như là sáng tạo táo bạo, độc đáo ở riêng Quang Dũng. Với từ “chơi vơi”, một từ láy vừa gợi cảm, vừa gợi hình, nỗi nhớ bỗng có hình dáng chông chênh, bồng bềnh bay bổng trong không gian bao la, trong thời gian xa thẳm, bâng khuâng, lửng lơ mà lưu luyến mà đầy ắp nhớ thương, gợi cho người đọc một ấn tượng rất thú vị.

-Hai câu thơ đầu được kết bằng âm “ơi” là âm mở khiến cho lời thơ như lan tỏa mênh mang, như tiếng gọi thiết tha, như chiều sâu nỗi nhớ da diết pha lẫn tiếc nuối.

- Từ nỗi nhớ chơi vơi, mạch cảm xúc của bài thơ nhưu tuôn chảy dưới ngòi bút Quang Dũng, tái hiện sinh động khung cảnh núi rừng miền Tây hiểm trở, dữ dội hoang sơ mà giàu chất thơ và con đường hành quân gian khổ của người lính:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Những địa danh Sài Khao, Mường Lát… đi vào trong lời thơ gợi cái hoang vu, xa lại. Giữa thiên nhiên ấy, người lính Tây Tiến hiện lên. Sương như lấp cả Sài Khao hay lấp đoàn quân mỏi đang đi? Câu thơ trên đọng lại ở chữ “mỏi” như hơi thở nặng nhọc của con người thì câu thơ dưới, cảm giác mệt mỏi đươc xóa đi bởi những hình ảnh lung linh, đẹp như trong cõi mộng “hoa về trong đêm hơi”.

-“Hoa về trong đêm hơi” là hình ảnh sáng tạo, một hình ảnh thơ mang đậm tâm hồn thi nhân. Nó xuất phát từ hiện thực cuộc sống là đoàn người đi phải đốt đuốc trong đêm Tây Bắc mịt mù sương núi. Nhưng với con mắt lãng mạn, tinh tế, bằng hàng loạt thanh bằng, Quang Dũng đã nâng thực tế đó lên thành hình ảnh diễn tả trạng thái lâng lâng như sương, như hương, như hoa, như hồn người. Câu thơ cho thấy hồn thơ tài hoa, lãng mạn của người nghệ sĩ.

* 4 câu thơ tiếp theo

- Tiếp tục cảm hứng lãng mạn tài hoa, khung cảnh núi rừng miền Tây với thác lũ mưa nguồn cùng con đường hành quân cheo leo trên dốc núi, trong sương mờ, bên vực thẳm cứ lần lượt hiện ra như một cuốn phim màu quay chậm, theo bước chân hành quân của người lính:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

-Tác giả sử dụng nhiều từ láy tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, cùng với các điệp từ, điệp ngữ, tiết tấu nhịp điệu âm thanh, tất  cả như nhấn mạnh hơn sự hiểm trở, dữ dội, hoang vu, heo hút, điệp trùng và độ cao ngất trời của núi rừng miền Tây Tổ quốc.

-Thiên nhiên Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm dường như dốc nọ nối dốc kia, gập ghềnh thăm thẳm để thử thách lòng nhẫn nại, dũng cảm, can trường của người lính. Câu thơ thứ ba ngắt ngịp ở giữa: Ngàn thước lên cao,/ ngàn thước xuống tạo nên ấn tượng gấp khúc. Câu thơ như bẻ đôi gây cảm giác hai sườn núi vút lên đổ xuống gần như thẳng đứng. Thiên nhiên chênh vênh dựng đứng là lời thách thức bước chân chinh phục của người lính Tây Tiến.

- Con người: giữa nền thiên nhiên dữ dội, chi tiết “súng ngửi trời” như đưa tư thế người lính vượt lên trên sự heo hút, hiểm trở của núi rừng. Hai chữ “ngửi trời” được dùng rất tự nhiên, độc đáo và cũng thật khỏe khoắn tinh nghịch. Từ “ngửi” tạo được một hình ảnh nhân hóa. Mũi súng như đang ngửi để thăm dò, nhận biết, thưởng thức cái hương vị của mây trời. Nhờ đó mà thiên nhiên trở nên gần gũi với con người và người lính được nâng lên một tư thế rất đỗi tự hào. Đó là tư thế chiến thắng của những con người tươi trẻ, lạc quan yêu đời trước thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoành tráng. Đúng như Tố Hữu viết:

Mấy chàng lính trẻ ngây ngô

Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi

- Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi Giọng thơ gân guốc, hào hùng bởi rất nhiều thanh trắc bỗng dịu đi bởi thanh bằng ở câu thơ này. Âm hưởng nhịp nhàng, nhè nhẹ của những thanh bằng cùng với cách ngắt nhịp câu thơ 2-2-3 như kéo dài âm điệu mượt mà trong lời thơ, vẽ ra một không gian mênh mang, bao la, bát ngát. Không gian ấy được thu vào tầm mắt người lính Tây Tiến với một tư thế rất “lính”. Người lính đã nhìn lên, nhìn xuống để thấy nhà ai đó thấp thoáng, ẩn hiện sau một không gian mịt mùng, sương rừng mưa núi. Câu 3 và 4 có sự phối hợp bằng trắc rất tài tình, làm ta nhớ câu thơ của Tản Đà:

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương

Chỉ có điều Tản Đà dồn nhịp điệu, biến đổi âm thanh, lời thơ để bộc bạch tâm trạng phẫn uất, bất đắc chí của nhà nho tài tử ngạo đời, thì Quang Dũng sử dụng nghệ thuật đó để vẽ nên thiên nhiên Tây Bắc vừa hoành tráng dữ dội vừa uyển chuyển, mềm mại,tinh tế.

c. 6 câu cuối

- Hai câu thơ “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” vừa tiếp nối mạch cảm xúc về thiên nhiên Tây Bắc, vừa làm nổi rõ hình ảnh người lính.

+ Tây Bắc dữ dội và hoang sơ không chỉ được mở ra theo chiều không gian, theo những địa danh xứ lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch… mà còn được khám phá ở chiều dài thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” là những điệp từ nhấn mạnh cái hoang vu, dữ dội và uy lực ghê rợn của thiên nhiên, dường như chỉ có thác gầm và cọp hú ngự trị đêm đêm.

-Trên nần thiên nhiên kì vĩ, hoang dã, nỗi nhớ của nhà thơ với đồng đội của mình trở nên day dứt, trầm lắng đi khi nghĩ đến những người bạn đã “bỏ quên đời” giữa chặng đường hành quân gian khổ:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Không nên hiểu ý nghĩa câu thơ là người lính mệt mỏi, gục lên súng mũ quên hết thảy sự đời sẽ làm mất hết vẻ hòa hùng, khí phách đạm chất bi tráng của người lính nổi bật trên nền núi rừng hiểm trở. Ở đây, Quang Dũng miêu tả cái chết của người lính như một sự xả thân cho lí tưởng. Người lính chết mà vẫn cầm chắc tay súng, chết trong tư thế lên đường, tư thế hành quân.Đây là hình ảnh vừa bi vừa hùng làm tỏa sáng vẻ đẹp lí tưởng của người lính.

-Câu thơ kết lại bằng từ “ôi” để gợi lên nỗi nhớ, “nhớ ôi” như tiếng nói hoài niệm, xao xuyến cháy bỏng trong trái tim nhà thơ. Bếp cơm lan tỏa mùi nếp xôi gợi nhớ tới không khí gia đình đầm ấm, xua tan đi cảm giác heo hút trống vắng ở tâm hồn những người chiến sĩ còn rất trẻ.

- “Mai Châu mùa em: cách nói “mùa em” rất lạ, “mùa” ở đây phải chăng là mùa của nỗi nhớ về tấm lòng thơm thảo, của kỉ niệm một mốc thời gian đã trở thành dâu ấn in sâu trong trái tim người chiến sĩ. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương

2.3: Đánh giá

- Đánh giá về vẻ đẹp đoạn thơ: đã tái hiện được chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng nhưng cũng rất hào hoa, lãng mạn trên nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng tuyệt vời, nên thơ bằng cảm hứng lãng mạn bay bổng và mang đậm tinh thần bi tráng.

- Đánh giá về sự đúng đắn của nhận định về vẻ đẹp hồn thơ Quang Dũng và giá trị của đoạn thơ cũng như bài thơ Tây Tiến

- Ý nghĩa: Biết cách đánh giá về bài thơ Tây Tiến

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã bình luận!

Mới hơn Cũ hơn