I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“…Đối với tôi, nguyên tắc thành công
đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì
thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở
trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền
cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn
dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà
không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con
bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi
sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.
… Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì
chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ
động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ
động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.”
( Trích “Em không tự cứu mình thì ai cứu em” của Rosie
Nguyễn – Cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Nxb Hội nhà văn, 2017, trang
120-121)
Câu 1. Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong câu: “Sống
mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một
con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ,
rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.” (0,5 đ)
Câu 2. Theo quan điểm tác giả, sống trong thế chủ
động là sống như thế nào? Nó có lợi ích gì? ( 0,5 điểm)
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi (1 điểm)
Câu 4. Anh /chị có đồng tình với quan điểm “em
không cứu mình thì ai cứu được em” không ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý
nghĩa của cách “Sống ở thế
chủ động” đối với tuổi trẻ hôm nay.
Câu 2: (5,0 điểm):
Cảm
nhận của anh/chị về vẻ đẹp trữ tình của hình tượng con Sông Đà qua đoạn văn:
“…Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một
áng tóc trữ tình mà đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa
ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn
say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà
nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước Sông Đà
không xanh màu xanh cánh hến của nước Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ
lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở
một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông
Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng
cái tên Tây láo lếu, rồi cứ như thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một
cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như nhìn một cố nhân. Chuyến ấy ở từng đi núi
cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất
là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, thấy trước mắt loang loáng
như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn thấy cái
miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương
Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm Sông Đà. Chao ôi, trông
con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao
đứt quãng. Đi dừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm
như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng,
chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bắn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy…”
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân – SGK Ngữ Văn 12,
Tập 1, NXBGD HN, 2016).
…………………HẾT………………….