Đọc hiểu là phần chiếm 3,0 điểm trong đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT
Phạm vi ngữ liệu của dạng đề này chủ yếu ở hai hình thức: Văn bản văn học (hay văn bản nghệ thuật) và văn bản nhật dụng
Văn bản văn học thường có: Văn bản trong chương trình (thường là các văn bản đọc thêm); văn bản ngoài chương trình (các văn bản cùng loại với các văn bản được học trong chương trình).
Văn bản nhật dụng là loại có nội dung gần gũi, thiết thực với cuộc sống của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như chủ quyền biển đảo, thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, phòng chống ma túy... Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả thể loại, nhưng thường được lấy từ loại văn bản nghị luận và văn bản báo chí.
Ngữ liệu thường được đưa ra là các vấn đề gần gũi, phù hợp với nhận thức và trình độ của các em, đặc biệt là những vấn đề hiện hữu trong đời sống hàng ngày, được cộng đồng chú ý và có những bài học nhân văn sâu sắc.Câu 3, 4 yêu cầu nêu quan điểm cá nhân, cần trình bày rõ ràng, thẳng thắn, lập luận chặt chẽ, tránh sa đà kể lể, vòng vo, dễ lạc đề. Học sinh cần tránh trùng lặp quá nhiều ý kiến của bản thân với đoạn ngữ liệu. Dung lượng cho hai câu vừa phải, tiết kiệm thời gian để hoàn thành các câu hỏi khác.
Một số nội dung phần đọc hiểu có thể ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em có thể lưu ý và tìm hiểu như: Covid-19 và sự chung sức đồng lòng của xã hội, ý thức cá nhân với cộng đồng trong dịch bệnh; tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, tình người; chủ quyền biển đảo, niềm tự hào dân tộc; khai thác thế mạnh của đất nước, vai trò, tiềm lực của thế hệ trẻ; xây dựng, phát triển bản lĩnh, cái tôi cá nhân, rèn luyện kỹ năng, đạo đức phẩm chất.
Để làm tốt phần đọc hiểu, học sinh cần đọc kỹ đoạn trích ngữ liệu 2-3 lần, vạch sẵn nội dung chính của văn bản để dễ dàng hình dung, phát hiện vấn đề. Câu 1 và 2 thường chỉ cần áp dụng kiến thức cơ bản, do đó học sinh cần xác định đúng vấn đề, tránh nhầm lẫn sai sót và mất nhiều thời gian.
Phần đọc hiểu chỉ nên làm trong 20-25 phút, đừng mất nhiều thời gian cho phần này mà không đủ giờ làm cho các câu còn lại. Ở phần này, những học sinh có cách trình bày khoa học, sáng tạo và cá tính sẽ có điểm cộng.
Học sinh cần làm quen hệ thống câu hỏi trong phần này. Phần Đọc hiểu sẽ có 4 câu hỏi như sau:
Thứ nhất, dạng câu hỏi nhận biết. Câu hỏi này hướng đến khả năng nhận biết đúng các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, hình thức lập luận, nội dung chính của đoạn văn, thể thơ. Với dạng câu hỏi này, học sinh cần hiểu nội dung của đoạn ngữ liệu và áp dụng kiến thức cơ bản mình đã học được để giải quyết vấn đề.
hứ hai là dạng câu hỏi thông hiểu, yêu cầu học sinh dựa vào nội dung văn bản để lý giải hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề trong văn bản. Học sinh sắp xếp, phân loại được thông tin trong văn bản; kết nối, đối chiếu, lý giải, mối quan hệ của thông tin để lý giải nội dung của văn bản; cắt nghĩa, lý giải nội dung, hiệu quả các biện pháp tu từ, các chi tiết, sự kiện thông tin có trong văn bản.
Ở dạng câu này, học sinh dựa vào nội dung có sẵn trong văn bản để trả lời câu hỏi tại sao và những vấn đề liên quan. Với mức độ này chỉ yêu cầu các em hiểu văn bản, dựa trên ngữ liệu có sẵn giải quyết vấn đề.
Thứ ba là dạng câu hỏi vận dụng thấp, yêu cầu khả năng vận dụng của người đọc ở mức độ vừa phải. Học sinh hiểu như thế nào về vấn đề yêu cầu, hay từ đoạn trích trong tác phẩm và giải thích tại sao tác giả lại đưa ra nhận định đó.
Câu hỏi vận dụng thấp thường yêu cầu nêu tác dụng của các phép tu từ hay việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ... trong văn bản; giải thích câu ngữ liệu, nhận xét đánh giá vấn đề, thái độ của tác giả về sự việc.
Học sinh phải biết vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, nguyên lý hay ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Đặc biệt, trong quá trình viết, học sinh nên đi thẳng vào vấn đề, tránh dẫn dắt dài dòng xa trọng tâm trên nguyên tắc đúng - đủ. Dung lượng của phần này sẽ tầm 5-7 dòng, những em có lập luận chặt chẽ, chắc chắn, logic sẽ đạt điểm tối đa.
Cuối cùng là câu hỏi vận dụng cao, dạng câu kiểm tra năng lực vận dụng của người học (khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành). Các câu hỏi thường gặp là: "Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/ chị?"; "Bài học anh/ chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?"; "Anh/chị hãy đưa ra các giải pháp đối với vấn đề được nêu ra trong đoạn trích"; "Anh/ chị có đồng tình với quan điểm không, vì sao".
Để làm được câu hỏi này, học sinh phải có chính kiến, biết nhìn nhận, đánh giá vấn đề và đưa ra những quan điểm của mình. Lập luận của học sinh phải mang tính thuyết phục, rõ ràng, có trọng tâm. Dung lượng bài làm nên ở mức 5-7 dòng.